Tiểu sử Thái Thanh (học giả)

Thân thế

Tổ tiên của Thái Thanh định cư ở làng Đông Lâm, huyện Huệ An; vào đời Nguyên có xử sĩ là Thái Huệ dời nhà đến Tấn Giang, trở thành thủy tổ của họ Thái ở đấy. Ông kỵ là Thái Nhuận, hiệu Thế An; ông cụ là Thái Huy Trung; ông nội là Thái Phiền Đức; cha là Thái Quan Tuệ, hiệu Doãn Nguyên; chú là Thái Huy, trúng cử nhân.

Thuở nhỏ, Thái Thanh theo người Hầu Quan [2]Lâm Bần học kinh Dịch, nắm được cốt lõi trong học thuyết của ông ta.

Sự nghiệp

Năm Thành Hóa thứ 13 (1477), Thái Thanh đỗ đầu kỳ thi Hương ở Phúc Kiến. Năm thứ 20 (1484), ông trở thành Tiến sĩ, lập tức xin quay về dạy học, mở lớp ở chùa Thủy Lục [3]. Đến năm Hoằng Trị đầu tiên (1488), Thanh bị mẹ thúc ép, bèn lên kinh ứng tuyển, được nhận chức Lễ bộ Từ tế tư chủ sự.

Lại bộ thượng thư Vương Thứ xem trọng Thanh, tâu xin đổi ông làm Lại bộ Kê huân tư chủ sự, thường cùng ông đàm luận tham vấn. Thanh nhân đó dâng lên 2 đề nghị, một – yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, hai – tiến cử danh sĩ là bọn Lưu Đại Hạ hơn 30 người, Thứ đều nghe theo.

Thái Thanh gặp tang mẹ, sau 3 năm thì khôi phục quan chức, được đổi làm Lễ bộ Từ tế tư Viên ngoại lang; ông xin dời về gần nhà để tiện chăm sóc cha già, nên được thăng làm Nam Kinh Lại bộ Văn tuyển lang trung [4]. Ngày kia Thanh cảm thấy nhói tim, vội xin nghỉ hẳn, quay về nhà được 2 tháng thì cha mất. Từ ấy Thanh dạy học tại nhà, không rời đi.

Năm Chánh Đức đầu tiên (1506), Thanh được khởi dùng làm Giang Tây đề học phó sứ. Ninh vương Chu Thần Hào đòi quan lại vào ngày 1 và 15 hàng tháng phải vào chầu mình trước, rồi mới đến Văn miếu. Thanh không đồng ý, trước thăm miếu rồi mới chầu Ninh vương. Vào ngày sinh của Ninh vương, ông ta lệnh cho quan lại phải mặc triều phục để chúc thọ, Thanh cho rằng như thế là trái lễ, nên ăn mặc kém trang trọng hơn mà đi chúc thọ. Ninh vương xin thêm hộ vệ, được triều đình đáp ứng, Thanh chỉ trích việc này, khiến Ninh vương đã giận lại càng giận, muốn vu cho ông tội phỉ báng chiếu chỉ. Vì thế Thanh xin trí sĩ, Ninh vương vờ giữ lại, còn muốn gả con gái cho con trai của ông, nhưng Thanh dứt khoát từ chối. [5]

Hậu sự

Bấy giờ Lưu Cấn chuyên quyền, sợ thiên hạ dị nghị, muốn theo lối gian thần nhà TốngThái Kinh triệu danh sĩ người Phúc Kiến là Dương Thì (học trò của Trình Hạo, Trình Di), thành ra Thanh trí sĩ mới vài tháng thì được khởi dùng làm Nam Kinh Quốc tử giám Tế tửu, nhưng mệnh lệnh chưa đến thì ông đã mất. Khi ấy là năm Chánh Đức thứ 3 (1508), Thanh hưởng thọ 56 tuổi. Trong niên hiệu Vạn Lịch, Thanh được đặt thụy là Văn Trang, tặng Lễ bộ thị lang.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Thái Thanh (học giả) http://qzhnet.dnscn.cn/qzh397.htm#shuilusi http://www.fjsq.gov.cn/ShowText.asp?ToBook=144&ind... http://www.fjsq.gov.cn/ShowText.asp?ToBook=6043&in... http://www.fjsq.gov.cn/ShowText.asp?ToBook=6043&in... http://www.fjsq.gov.cn/ShowText.asp?ToBook=6043&in... http://ctext.org/library.pl?if=gb&res=6131&by_auth... http://ctext.org/library.pl?if=gb&res=6746&by_auth... http://ctext.org/library.pl?if=gb&res=6878&by_auth... http://ctext.org/library.pl?if=gb&res=82001&by_aut... https://books.google.com/books?id=6Uh2AAAAIAAJ&q=%...